Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Nạn nhân vụ Cát Tường có thể chết do tiêm quá liều thuốc tê?


Tại phiên tòa sơ ngày 14/4, sau khi bị cáo Nguyễn Mạnh Tường khai công thức pha chế thuốc gây tê "lạ đời",  Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tạm hoãn phiên tòa để làm rõ quy trình pha chế có ảnh hưởng gì đến cái chết của chị Huyền.
Tuy nhiên, kết quả điều tra bổ sung lại không nói rõ quy trình pha thuốc có ảnh hưởng đến cái chết của chị Huyền hay không. Điều này khiến các luật sư và dư luận quan tâm đến vụ án băn khoăn không biết phiên tòa tới sẽ xử như thế nào nếu nguyên nhân chết của chị Huyền chưa được làm rõ?


Tiết lộ về người phụ nữ xóa dấu vết cho bác sĩ Tường

Bên cạnh vợ bác sĩ Tường ngồi cùng xe đi vứt xác, vụ án này có một người phụ nữ khác chỉ đạo xóa dấu vết việc nạn nhân đã đến Thẩm mỹ viện Cát Tường phẫu thuật thẩm mỹ.


Nạn nhân bị ngộ độc thuốc tê?


Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đã khai công thức pha chế thuốc tiêm vào cơ thể chị Huyền trước khi phẫu thuật nâng ngực như sau: pha 5 chai thuốc tê, mỗi chai  gồm có 500ml nước muối sinh lý, 25 ống thuốc tê Lidocain, 2 ống thuốc kháng sinh Gentamycin, 1 ống trợ tim Adrenalin, ½ ống Vitamin C. Tường đã tiêm cho chị Huyền 3 trong số 5 chai đó rồi dừng lại. Công thức này Tường học được từ một thầy tại TP.HCM. 





Nguyễn Mạnh Tường chỉ nơi ném xác bệnh nhân trên cầu Thanh Trì. Ảnh: Tuổi Trẻ.


Nguyễn Mạnh Tường chỉ nơi ném xác bệnh nhân trên cầu Thanh Trì. Ảnh:Tuổi Trẻ.



Nhận xét về hỗn hợp thuốc được bác sĩ Tường pha nói trên, vị PGS,TS về phẫu thuật thẩm mỹ (xin không nêu tên) nói: "Nói một cách thô thiển là trên thế giới không có một công thức pha thuốc tê nào theo kiểu đó cả, sách giáo khoa không có cách pha thuốc tê đó. Về thành phần tiêm, không được phép tiêm Vitamin C lẫn lộn với kháng sinh Gentamycin vì C là một axit, khi tác dụng với cả kháng sinh, thuốc tê nó có thể có những thay đổi nguy hiểm mà chỉ các nhà dược sĩ mới biết được". 


Vị bác sĩ này cũng đưa ra nhận định về nguyên nhân chết của chị Huyền sau khi bị tiêm hỗn hợp thuốc nói trên: "Như Tường khai pha 5 chai thuốc tê, trong mỗi chai có 25 ống thuốc tê Lidocain loại 2 ml mà đã tiêm 3 chai vào cơ thể chị Huyền thì theo tôi, bản thân thuốc tê Lidocain đã có thể gây ngộ độc rồi. Thường thì liều cho phép là 7mg/1 cân nặng, mà giả sử nạn nhân nặng 50 kg thì liều lượng cho phép chỉ là 350 mg. Thế nhưng, một chai dịch của Tường đã chứa tới 500 mg Lidocain, tức là mỗi chai đã quá liều rồi chứ chưa nói đến đã tiêm vào cơ thể nạn nhân tới 3 chai. Có nghĩa là nạn nhân bị ngộ độc thuốc tê".


Vị bác sĩ này cũng cho biết, ngộ độc thuốc tê thường biểu hiện ở hệ thống tim mạch và hệ thống thần kinh trung ương, nhưng hệ thống thần kinh trung ương thường xuất hiện trước với biểu hiện sớm là bồn chồn, đau đầu, chóng mặt, ù tai, nói ngọng, rung gật nhãn cầu, co giật và biểu hiện muộn hơn là co giật toàn thân, ngừng thở và tử vong. Biểu hiện tim mạch thường là dấu hiệu đi sau như hạ huyết áp, sốc, loạn nhịp tim.


Với những phân tích trên có thể thấy phù hợp với lời khai của các nhân chứng. Y tá Nguyễn Ngọc Thư đã khai: "Khi bơm được 1-2 ống bơm tiêm thì chị này bắt đầu có biểu hiện co giật nhưng bác sĩ vẫn tiếp tục hút được 5-6 ống bơm mỡ bụng thì dừng lại. Bác sĩ Tường vẫn đang bơm thuốc tê vào bụng bệnh nhân. Bệnh nhân ngủ được khoảng 15 phút thì bắt đầu co giật, giật mắt, co cứng người, mắt trợn ngược, chảy đờm nhãi".


Vị bác sĩ này cũng cho rằng, nếu Tường cấp cứu ngay chắc cứu sống được khách hàng. 5-10 phút đầu là thời gian "vàng" để cấp cứu và đưa từ đó sang Bệnh viện Bạch Mai là thừa sức.


Luật sư đề nghị làm rõ nguyên nhân chết


Tuy chỉ là ý kiến cá nhân của một bác sĩ đầu ngành về phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội nhưng thiết nghĩ nó hết sức có ý nghĩa giữa lúc vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung mà vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân chết của nạn nhân khiến gia đình và các luật sư băn khoăn. Một Luật sư tham gia vụ án này cho biết, việc Sở Y tế Hà Nội trả lời mới đây có nêu việc pha thuốc của bác sĩ Tường là không đúng quy trình nhưng lại không hề đề cập có gây nên hậu quả chết người không khiến vụ án vẫn chưa tháo gỡ được “tắc”:


"Việc xác định nguyên nhân chị Huyền tử vong là cần thiết trong việc xác định sự thật vụ án. Cơ quan tố tụng chưa thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn để kết luận các dấu hiệu lâm sàng trước khi chết của chị Huyền như sùi bọt mép, co giật, nháy mắt… có thể do những nguyên nhân nào gây ra, do quá liều Lidocain, quá liều thuốc an thần, do không thực hiện ly tâm để loại bỏ dịch lỏng trước khi bơm vào tuyến vú hay do Tường cố tình thực hiện phẫu thuật trong tình trạng chị Huyền đang bị co giật?".


Vì lý do trên, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân mới đây đã có kiến nghị làm rõ nguyên nhân chết để không chỉ xác định đúng hành vi của bác sĩ Tường mà còn giải tỏa thắc mắc trong dư luận xã hội, đặc biệt với gia đình bị hại.


Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, một bác sĩ quan tâm đến vụ án này kiến nghị: "Phiên tòa tới cần có Hội đồng chuyên môn ngồi tham gia phiên tòa để cố vấn trực tiếp chuyên môn cho HĐXX TAND Hà Nội, tránh việc bị cáo khai lung tung về chuyên môn để "qua mặt" HĐXX. 


Nếu như lần trước bị cáo khai học được cách pha thuốc từ một thầy tại TP.HCM thì đề nghị HĐXX cần làm rõ đó là ai để kịp thời ngăn chặn những hậu quả tương tự có thể xảy ra và có thể "ông thầy" của Tường cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã đào tạo pha thuốc kiểu chết người".




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét